CON THƯƠNG MẸ - Bí quyết dạy con tiếng Việt
Từ lúc làm mẹ, dù trước kia ngại bày tỏ tình cảm bằng lời như câu “I love you” , tôi thường nói với con “Mẹ thương con lắm lắm, mẹ thương con nhất luôn.” Lúc con 2 tuổi 10 tháng, con bắt đầu tự động nói câu “Con THƯƠNG mẹ!” đầy tình cảm, lâu lâu còn dùng hai bàn tay bé nhỏ của mình úp vô má mẹ, hôn mỗi bên má một cái nhẹ nhàng. Tôi vui ứa nước mắt. Có lẽ người mẹ nào cũng sẽ vui đến khóc trong khoảnh khắc đó. Đó là sự đền bù công sức nuôi dạy con bằng tiếng Việt. Tiếng Việt – Ngôn ngữ mẹ đẻ - là ngôn ngữ để bày tỏ tình yêu của mẹ và của con.
Tuần này tôi cảm nặng, than với con “mẹ mệt vì bịnh, không đọc sách, không hát ru con ngủ được.” Con gái gần 3 tuổi thủ thỉ với mẹ “Con thương mẹ quá!” Đang coi chương trình Thiên Thần Nhỏ, nghe mẹ ách-xì, nước mắt nước mũi giàn giụa – con ngưng coi liền, chạy lại hỏi mẹ “Mẹ có sao hông? Mẹ hông sao, đừng lo lắng” (vỗ vỗ mẹ).
Năm đầu đời ở nhà với con, tôi chỉ nói tiếng Việt. Ba bé chỉ biết nói tiếng Anh, nói ít giỡn nhiều. Lúc một tuổi con đi nhà trẻ, tôi lo lắng, không biết tiếng Anh của con có thua thiệt bạn cùng tuổi hay không? Đi học vài tuần tiếng Anh con học được nhiều, tôi lại lo không biết con có quên hết tiếng Việt không? Thế là tôi lại tiếp tục hành trình “chỉ nói tiếng Việt” với con. Đi học nói tiếng Anh, ở nhà nói tiếng Việt, ngôn ngữ của con vẫn phát triển rất tốt. Tôi vẫn bữa lo ít, bữa lo nhiều – càng lớn con sẽ càng ít có cơ hội nói tiếng Việt. Cụ thể tôi vẫn chưa biết sẽ dạy con đọc, viết và đánh vần tiếng Việt như thế nào. Chú trọng ngôn ngữ quá liệu có bớt đi thời gian học các môn khác hay không? Biết tiếng Việt để làm gì?
Câu trả lời tuy chưa rõ ràng, tôi vẫn áp dụng “bí quyết” dạy con tiếng Việt: Nói chuyện và đọc sách với con mỗi ngày. Nói bí quyết cho oai thôi, đây chỉ là cách rất đơn giản, dễ áp dụng được dựa trên phương pháp Montessori.
1. Nói chuyện với con như người lớn từ lúc sinh ra.
Thú thật, kỹ năng này lúc mới làm mẹ, con chưa hiểu gì, cũng chưa quen nói tiếng Việt cả ngày, tôi rất mắc cỡ với cái chuyện nói cả ngày với một đứa bé chưa biết gì. Dẫn con ra ngoài đi bộ phải nát óc kiếm đề tài mà nói “hôm nay trời nắng đẹp, có mây trắng và mây xanh. Lá vàng bắt đầu rụng gần hết rồi. À con có nghe tiếng gâu gâu không? Đó là tiếng chó sủa đó...”
Nhưng việc gì chưa giỏi, tập sẽ khá hơn.
Bây giờ, con tôi ra đường cứ xổ tiếng Việt với mẹ với giọng nói thật lớn. Tôi vẫn nói tiếng Việt với con bất cứ nơi nào mà không hề ngại ngùng gì cả. Nếu có người xung quanh tôi sẽ nói cả Anh lẫn Việt để mọi người cùng hiểu.
Câu cú của con ngày càng dài, mặc dù vừa nói vừa thở hổn hển, nhưng đã văn chương lai láng rồi. Mưa thì mưa tầm tã, ho thì ho sù sụ, buồn ngủ thì buồn ngủ lắm dồi. Nghe con líu lo cả ngày còn gì vui hơn.
2. Đọc sách cùng con mỗi ngày
Từ 0-1 tuổi đọc sách cho con rất dễ, nhưng quan trọng là tập thói quen đọc sách từ sớm, sách gì con cũng sẽ ngồi nghe (vì không đi đâu được). Lớn một chút con chọn sách theo sở thích của mình, nên trong phòng con và phòng chơi, tôi đều thường xuyên thay đổi sách trên kệ cho con. Có khi con hứng lên thì yêu cầu ba mẹ đọc sách cả ngày. Nhưng ít nhất, gia đình tôi có thói quen đọc sách cho con trước giờ ngủ. Sách là nguồn ngôn ngữ phong phú giúp tôi có thật nhiều đề tài để ngày nào cũng có chuyện mẹ con nói với nhau. Mỗi ngày con đem lại cho tôi sự ngạc nhiên thích thú với cách áp dụng từ ngữ và kiến thức đã học được.
Con lên 2 tuổi, tôi thấy sách tiếng Việt quá ít, sách tiếng Anh nếu nhiều từ quá thì tôi không thể đọc và dịch ngay một cách trôi chảy cho con được. Đó là lí do vì sao tiệm sách song ngữ VietCan Books ra đời – để giúp những phụ huynh như tôi dạy con tiếng Việt dễ dàng hơn.
Thực ra dạy con tiếng Việt thành công cần có thêm yếu tố thứ 3 nữa, đó là sinh hoạt cộng đồng. Điều này tôi chưa làm được cho con. Vì vậy tôi viết bài này, mong được kết nối với các phụ huynh cũng có niềm đam mê gìn giữ tiếng Việt cùng con.